Ban tổ chức Giải vô địch quốc gia Malaysia (MSL) vừa thông báo điều chỉnh chính sách ngoại binh, cho phép mỗi CLB đăng ký tối đa 15 cầu thủ nước ngoài từ mùa giải 2025-2026. Động thái này ngay lập tức gây ra nhiều tranh cãi, khi một bộ phận chuyên gia lo ngại nó sẽ làm gia tăng khoảng cách về sức mạnh giữa các đội bóng.
Cụ thể, theo quyết định mới của Liên đoàn Bóng đá Malaysia (MFL), mỗi CLB sẽ được đăng ký 15 ngoại binh, bao gồm 12 cầu thủ không giới hạn quốc tịch, một cầu thủ thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và hai cầu thủ Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng ngoại binh được sử dụng trong mỗi trận vẫn bị giới hạn theo tỷ lệ 4-1-2 (bốn cầu thủ mọi quốc tịch, một AFC, hai ASEAN), sau đó giảm xuống còn 4-1-1 như ở mùa giải trước.
Trước đó, ở mùa 2024-2025, mỗi CLB tại MSL chỉ được đăng ký 10 ngoại binh, trong đó 6 được sử dụng trong một trận đấu (theo tỷ lệ 4-1-1) và một cầu thủ dự bị.
Đại diện MFL khẳng định sự góp mặt của các ngoại binh sẽ góp phần nâng cao chất lượng và sự hấp dẫn của giải đấu, nhưng mục tiêu lâu dài vẫn là phát triển cầu thủ nội để hỗ trợ ĐTQG Malaysia.
Tuy nhiên, chính sách tăng số lượng ngoại binh đang vấp phải phản ứng trái chiều. Tờ New Straits Times (NST) nhận định: “Việc điều chỉnh số lượng ngoại binh sẽ chỉ mang lại lợi thế cho những đội bóng giàu có.”
Chuyên gia bóng đá Datuk Pekan Ramli cũng cảnh báo rằng chính sách mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng. “Không chỉ là con số, mà quan trọng là kế hoạch triển khai. Việc bỏ bớt một suất Đông Nam Á trên sân có thể chỉ là sự thay đổi nhỏ, nhưng lại tạo lợi thế cho một vài đội bóng nhất định,” ông nói.
Điều đáng chú ý là MFL đưa ra thay đổi này chỉ hơn ba tuần trước khi mùa giải mới khởi tranh vào ngày 8/8. Điều này khiến quá trình chuẩn bị của các đội bị ảnh hưởng. “Không phải CLB nào cũng đủ tiềm lực và sự linh hoạt để điều chỉnh đội hình hay chiến thuật kịp thời,” ông Ramli nhận xét.
Ở mùa trước, Johor Darul Tazim là CLB duy nhất đăng ký đủ 10 ngoại binh và đã lần thứ 11 liên tiếp vô địch MSL. Đội bóng được dẫn dắt bởi Chủ tịch Tunku Ismail – Nhiếp chính vương bang Johor – hiện cũng là CLB giàu nhất Malaysia. Trong khi đó, những đội như PDRM FC hay Selangor chỉ đăng ký 9 ngoại binh, còn 11 đội bóng còn lại chỉ có từ 1 đến 7 ngoại binh.
Việc tăng số lượng đăng ký ngoại binh nhưng giữ nguyên số suất thi đấu mỗi trận giúp các đội mạnh như Johor có thêm phương án xoay tua lực lượng, từ đó khiến chênh lệch về sức mạnh càng rõ rệt. Đáng chú ý, Johor còn tăng cường bốn cầu thủ gốc Malaysia nhưng mang quốc tịch nước ngoài, bao gồm Joao Figueiredo, Hector Hevel, Jon Irazabal và Nacho Mendez – tất cả đều là tuyển thủ quốc gia.
MFL kỳ vọng việc giảm một suất ASEAN thi đấu sẽ giúp cầu thủ nội có thêm cơ hội ra sân. Tuy nhiên, theo ông Ramli, điều này lại gây khó cho các CLB nhỏ: “Đội lớn có thể mua về ngoại binh chất lượng, còn với các đội yếu, cầu thủ Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng đội hình, dù chất lượng không vượt trội cầu thủ nội.”
MSL mùa giải 2025-2026 sẽ khởi tranh từ ngày 8/8/2025 và kết thúc vào ngày 16/5/2026, với 13 đội tham dự. Số đội lẻ do CLB Sri Pahang rút lui vì khó khăn tài chính.
Không chỉ riêng Malaysia, nhiều giải VĐQG Đông Nam Á cũng đang đối mặt với tranh cãi về chính sách ngoại binh. Tại Indonesia, Liga 1 cho phép đăng ký 11 ngoại binh và sử dụng 8 người trong mỗi trận. V-League của Việt Nam đang cân nhắc giữa phương án cho thi đấu cả 4 ngoại binh hay giữ tỷ lệ 3+1 (3 thi đấu, 1 dự bị). Trong khi đó, Thai League 1 vẫn giữ quy định 7 ngoại binh mọi quốc tịch, không giới hạn cầu thủ Đông Nam Á.