Ông Đặng Hà Việt – cục trưởng Cục Thể dục thể thao, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2024 – cho biết các vận động viên Việt Nam đã thi đấu quả cảm nhưng năng lực còn hạn chế so với đối thủ.

Trước đó ngày 8-8, đoàn thể thao Việt Nam chính thức nói lời chia tay với Olympic 2024 mà không giành được tấm huy chương nào. Đây là Olympic thứ hai liên tiếp thể thao Việt Nam ra về tay trắng.

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam nói gì sau thất bại tại Olympic 2024?- Ảnh 1.

Trong khi đó các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia đều có huy chương và huy chương vàng Olympic Paris.

Điểm sáng Trịnh Thu Vinh, tiếc nuối Trịnh Văn Vinh

Tối 9-8, chia sẻ với Thông tấn xã Việt Nam tại Paris, trưởng đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt đánh giá các vận động viên Việt Nam đã có sự tiến bộ tại Olympic 2024 như xạ thủ Trịnh Thu Vinh.

Thu Vinh đã đạt hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao với những thông số cá nhân tốt nhất ở các giải quốc tế. Nữ xạ thủ 24 tuổi là điểm sáng của thể thao Việt Nam tại kỳ Thế vận hội lần này.

Theo ông Việt, môn bắn cung cũng đã cải thiện được thành tích, những môn võ judo và boxing thi đấu quả cảm nhưng còn hạn chế về năng lực so với đối thủ. Với những môn bơi, điền kinh và đua thuyền, trình độ của các vận động viên Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với đấu trường Olympic.

Đô cử Trịnh Văn Vinh để lại tiếc nuối lớn khi thi đấu không thành công ở hạng cân 61kg nam môn cử tạ Olympic 2024 - Ảnh: REUTERS

Điều khiến trưởng đoàn thể thao Việt Nam tiếc nuối nhất ở Olympic 2024 chính là môn cử tạ.

Ông Đặng Hà Việt cho biết: “Ban huấn luyện đã quan tâm rất sát sao, theo dõi và nhận thấy đô cử Trịnh Văn Vinh có cải thiện thành tích.

Trong quá trình tập luyện, Vinh vẫn phải vừa tập vừa điều trị chấn thương.

Vinh cũng đã đạt trọng lượng tạ trên 300kg, cử giật trên 130kg, cử đẩy trên 170kg. Nhưng vào thi đấu, một chút xao động khiến Vinh không kiểm soát được và đây là điều rất nuối tiếc của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2024”.

Cần huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho thể thao Việt Nam

So sánh giữa thành tích của đoàn Việt Nam và các đoàn thể thao Đông Nam Á tại Olympic 2024, ông Việt cho rằng các nước có sự tương đồng với Việt Nam trong việc đầu tư, ví dụ như cử tạ tập trung vào hạng cân nhỏ.

World Taekwondo on X: "Thailand's Panipak Wongpattanakit: W-49kg Gold  Medalist at #Paris2024 'Enjoy the Last Dance' #WordTaekwondo #Taekwondo  Read the full article https://t.co/kK7wz6qUQ9 https://t.co/OPSnZM6FjB" / X

Ông Đặng Hà Việt chia sẻ: “Thể thao Thái Lan có sự phát triển ổn định hơn, bề dày cũng hơn, lực lượng VĐV đông đảo.

Có thể thấy rất rõ Thái Lan có võ sĩ nổi tiếng ở môn taekwondo, có sự phát triển vượt bậc, chuyên gia Hàn Quốc cũng theo sát. Võ sĩ này (Panipak Wongpattanakit – PV) đã lấy được 2 huy chương vàng ở hai kỳ Olympic liên tiếp.

Philippines có tài năng Carlos Yulo ở môn thể dục dụng cụ được chuyên gia Nhật Bản huấn luyện và Philippines cũng đầu tư rất lớn cho vận động viên này để mang về 2 HCV Olympic.

Nhìn chung, các nước Đông Nam Á đều có chiến lược đầu tư rất rõ đối với các môn thuộc hệ thống thi đấu Asiad.

Filipino Gymnast Carlos Yulo's Olympic Triumph Overshadowed by Feud with  Mother - Arise News

Olympic là sân chơi quá lớn cho thể thao Đông Nam Á. Thái Lan, Indonesia, Singapore hay Việt Nam đều có sự đầu tư, quan tâm rất lớn từ chính phủ.

Nhưng bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, chung tay với ngành thể thao trong việc định hướng, tuyển chọn vận động viên cũng như tìm chuyên gia, đưa công nghệ vào huấn luyện, từ đó giúp nâng tầm vận động viên”.

Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-doan-the-thao-viet-nam-noi-gi-sau-that-bai-tai-olympic-2024-2024080922584539.htm

Share.